Sử dụng bếp gas sao cho an toàn, tránh rò rỉ gas và chống cháy nổ?

07-09-2020, 3:21 chiều

1-Lắp đặt bếp đúng tiêu chuẩn an toàn
Khi bắt đầu lắp đặt và sử dụng bếp ga, người dùng cần kiểm tra thỏa mãn các tiêu chí cơ bản:
– Vị trí đặt bếp phải thoáng khí nhưng cần tránh gió lùa trực tiếp (gió tự nhiên hoặc từ thiết bị khác như quạt máy).
– Bề mặt đặt bếp ga nên bằng đá, xi măng, kính… không nên bằng chất liệu gỗ vì dễ bắt lửa.
– Bếp ga lắp cách trần tối thiểu 1 m, cách tường hoặc vật chắn khác ít nhất 15 cm, xa các vật liệu dễ bắt lửa hay cháy nổ.
– Bình ga cần đặt thẳng đứng và thấp hơn bếp ga, đặt trong tủ bếp có thể lưu thông khí (phòng trường hợp khí ga rò rỉ có thể phát hiện ngay). Bình ga cũng cần để xa bếp và các nguồn điện tối thiểu 1.5 m.
– Dây dẫn đảm bảo còn mới nguyên, không bị nứt gãy hay gấp khúc khi lắp đặt.
– Khi lắp bình ga với bếp, kiểm tra bật bếp thử để kiểm tra ngọn lửa, tắt bếp đúng quy trình để kiểm tra xem van có kín không.
2-Tránh dùng bếp gas gần các thiết bị điện, các vật dễ bắt lửa
Các thiết bị điện như ổ cắm điện, lò nướng, lò vi sóng, nồi cơm điện không nên để gần bếp ga vì chúng có thể bị biến dạng do ảnh hưởng nhiệt bởi quá trình đun nấu từ bếp ga. Chưa kể trường hợp khí ga rò rỉ dễ gây cháy nổ nếu vô tình cho các thiết bị này hoạt động.
Ngoài ra, bàn bếp ngay khu vực đun nấu không nên đặt để các vật hoặc chất liệu dễ cháy như giấy, khăn vải, sáp, cồn… tránh chúng bị hấp thụ nhiệt hay bắt lửa gây nguy hiểm.
3-Bật, tắt bếp đúng quy trình
Nghe có vẻ không quan trọng, nhưng nhiều người dùng bỏ qua thói quen khóa bình ga sau khi sử dụng. Như thế sẽ nguy hiểm trường hợp quên tắt bếp, dây dẫn vô tình bị nứt gãy hay bị côn trùng cắn… gây rò rỉ khí ga, sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu không có ai ở nhà.
Vì vậy, hãy tạo thói quen an toàn: sau khi nấu xong, khóa van bình ga, đợi cho lửa trên bếp tắt hẳn, sau đó tắt bếp. Nếu vậy, chỉ cần bình ga bạn sử dụng đủ tốt là đã đảm bảo an toàn cho gia đình khỏi nguy cơ rò rỉ ga gây cháy nổ.
4-Ở gần bếp suốt quá trình đun nấu
Có những nguy hiểm bất ngờ mà bạn có thể không lường trước được nếu chủ quan bỏ quên món ăn trên bếp ga đang cháy như: Thực phẩm trào khi sôi gây tắt bếp hay bốc lửa lớn, gió có thể vô tình thổi tắt bếp, hoặc thổi 1 vật dễ bắt lửa vào bếp đang cháy.

Do vậy hãy luôn túc trực gần bếp suốt quá trình đun nấu vì sự an toàn của bạn và gia đình.
5-Vệ sinh bếp thường xuyên
Vệ sinh bếp ga là cách đảm bảo độ bền đẹp của bếp, hạn chế cho bếp khỏi bị hoen gỉ, hư hại nhất là quanh phần bụng bếp và hệ thống đánh lửa, đầu đốt.
6-Kiểm tra an toàn bếp định kỳ
Để chắc chắn toàn bộ bếp ga ở trong tình trạng an toàn nhất cho sử dụng:
– 6 tháng – 1 năm/1 lần kiểm tra bếp, bình ga, dây dẫn ga và cả van khóa.
– 2 – 3 năm thay mới ống dẫn ga, và 5 năm thay mới van điều áp.
– Trường hợp bếp ga xuất hiện gỉ sét nhưng vẫn hoạt động tốt, nên thường xuyên lưu ý vị trí gỉ sét nhất là khi nó gần bộ phận đánh lửa, đầu đốt của bếp vì sẽ dễ gây rò rỉ ga và bắt lửa sang vị trí hoen gỉ đó.
– Nên thay mới khi bếp ga đã quá cũ và hư hỏng.
– Không dùng bình ga quá cũ, nhất là có dấu hiệu hoen gỉ.
7-Không nên để trẻ em sử dụng bếp gas
Bé thường tò mò, táy máy, không ý thức được hết những nguy hiểm có thể phát sinh… nên sẽ khá nguy hiểm nếu để trẻ em tự ý sử dụng bếp ga trong gia đình.
Nếu trẻ nhỏ nhà bạn chưa đủ nhận thức để sử dụng bếp ga an toàn, hãy cảnh báo và xem chừng chúng.
Còn nếu thấy bé đã đủ khả năng sử dụng an toàn bạn cũng nên quan sát và chỉ dẫn thêm để phòng tránh các tình huống nguy hại có thể xảy ra, vì phòng vẫn luôn hơn chữa.
Bếp ga tiện lợi, dễ sử dụng, thông dụng trong không gian bếp gia đình Việt. Vậy hy vọng mỗi người tiêu dùng khi sử dụng bếp ga cũng đều nắm vững các kiến thức dùng an toàn để bảo vệ cho gia đình và cả mọi người xung quanh.

Bài viết liên quan

Xem thêm >>
Số điện thoại
Contact Me on Zalo